March 12, 2013

Những bài văn của tôi




Từ bé tôi đã yêu môn văn theo một cách rất riêng. Tôi biết mình bắt đầu thích văn khi tôi học cấp 2, được cô Nga dạy văn (cô cũng tên là Nga – có thể đó là lý do tôi càng thích môn văn hơn). Cô Nga hay cho chúng tôi những đề văn nằm ngoài chương trình học và hay kể chuyện cho chúng tôi nghe.

Bài văn tôi được 9 điểm lần đâu tiên trong cuộc đời học sinh của tôi là bài văn có đề bài là em hãy tưởng tượng em là nhân vật nữ trong câu chuyện sự tích trầu cau và kể lại câu chuyện đó. Đã quá lâu rồi để tôi nhớ được mình đã viết gì nhưng tôi vẫn nhớ những cảm xúc khi mình đặt mình vào người khác, kể một câu chuyện tình như mình đã từng trải qua. Tôi được điểm 9 duy nhất trong lớp và bài của tôi được cô đọc cho cả lớp nghe. Từ lần đó, tôi, một cô bé học lớp 6 - đã nghĩ văn là sự tìm kiếm tự do trong tâm hồn.

Bài văn thứ 2 của tôi được 5 điểm. Tôi suýt bật khóc trước lớp khi thấy con số 5 to đùng ấy trong ô chấm điểm. Đó là bài văn có đề bài là hãy kể về lễ khai giảng của trường em. Khi làm bài đó, tôi nghĩ rằng ít nhất đã 6 lần tôi dự cái lễ khai giảng đó, lần nào cũng giống lần nào, quan trọng là mình cần phải nói được cảm xúc của mình. Thứ cảm xúc hồi hộp, chờ đợi và háo hức khi được mặc quần áo mới, tay cầm cờ hay bóng bay bước vào trường. Vậy là bài văn ấy tôi viết dài hơn các bạn 2 trang giấy bởi tôi muốn kể từ cái cảm xúc của mình khi ở nhà, khi mẹ là cho mình bộ váy thơm mới tinh, khi mình quàng khăn đỏ trên vai, khi mình ôm bố từ phía sau để bố đưa đến trường. Bài văn đó tôi đã bị 5 điểm bởi đã quá dài dòng và lạc đề. Tôi đã nghẹn ngào giấu kín bài văn đó ở phía sâu nhất trong gầm bàn và tự nhủ, vậy là mình sẽ không bao giờ được tự do như cách mình muốn nữa.

Sau này khi tôi lên cấp 3, năm nào tôi cũng đi thi học sinh giỏi văn thành phố. Giải tốt nhất mà tôi có được là giải khuyến khích. Tôi biết mình chẳng có năng khiếu phân tích, tôi ít đọc sách tham khảo, tôi chẳng muốn người ta áp đặt suy nghĩ gì lên mình cả. Nhưng tôi tin mình có năng khiếu về sự cảm nhận. Có những thứ cảm xúc tôi có được, cảm được đến tận cùng của mọi lời nói, mọi suy nghĩ, mọi ý tứ mà chẳng thể giải thích được thành lời. Từ đó tôi hiểu rằng mình chưa bao giờ là học sinh giỏi văn như tôi vẫn nghĩ cả.

Và lạy chúa, tôi chưa bao giờ muốn mình giỏi văn.

Tôi chỉ đơn giản muốn mình được tự do trong tư tưởng và suy nghĩ. Tự do để đến những vùng đất mới, tự do để tưởng tượng ra những câu chuyện, những cuộc gặp gỡ, những khuôn mặt, những mẩu hội thoại, những mở đầu và những kết thúc. Hồi bé tôi có thói quen trước khi đi ngủ phải nghĩ ra một câu chuyện thật thú vị. Có những câu chuyện chưa kịp kết thúc thì tôi đã chìm vào giấc ngủ rồi. Thói quen ấy đã từng theo tôi đến tận khi tôi lên đại học.

Vậy là tất cả những gì tôi muốn là sự tự do vùng vẫy trong tâm hồn. Tôi hạnh phúc reo lên khi hiểu được điều đó. Và thế nên, đêm qua, tôi có một giấc mơ.

March 07, 2013

Viết cho ngày 7/3


(Caption for this pic: 1 tuần mình đến đây 3 lần chỉ vì... thực sự là ngại chả nói ra được ^__^)

Sáng ra đã nghe chuyện đổ vỡ.
“Đổ vỡ” là một từ chẳng hay gì cả, hay nói cách khác, từ đó rất tệ. Thế nên người ta mới sợ đổ vỡ mà quên mất rằng làm thế nào để tránh điều đó.

Lần đầu tiên mình mới ý thức được sự hy sinh. Hai cá thể khác biệt sống với nhau, ở bên nhau, muốn không đổ vỡ thì phải lắng nghe, thông cảm, chia sẻ và thấu hiểu nhau. Mà muốn làm được điều đó thì phải hy sinh. Đôi khi là hy sinh mong muốn cá nhân, hy sinh sự ngạo nghễ của bản ngã, hy sinh cả hành động chỉ muốn làm tổn thương người kia chỉ vì người đó đã làm mình quá đau khổ. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để làm được điều đó thì khó lắm, đặc biệt là với những ai đã từng trải qua nhiều sự đổ vỡ.
Người càng trải qua nhiều sự đổ vỡ thì sau đó họ lại càng thương bản thân họ hơn. Họ trân trọng chính bản thân mình, yêu thương và nuông chiều nó bởi họ nhận ra rằng nếu không thương chính mình thì chả ai thương họ cả. Và cùng với đó thì sự hy sinh cũng ra đi. Họ có thể chia sẻ, lắng nghe nhưng ko thể thấu hiểu. Họ có thể cho đi thật nhiều nhưng không biết người kia cần điều gì, có phải là điều họ vừa cho không? Họ có thể chăm sóc nhiều hơn nhưng không biết được rằng đôi khi hành động chăm sóc hay yêu thương một ai đó chẳng qua lại là để thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Rất ít người bình tĩnh mà hiểu được điều đó.

Nàng MĐ thường hay trích dẫn một câu nói của Osho mà tôi cũng rất thích: “Nhân loại thường quên hẳn sự gần gũi bên nhau (không phải là cùng nhau làm gì mà chỉ đơn giản là ở bên nhau)”. Trong khi bây giờ, chúng ta muốn được ở bên nhau nhiều để cùng làm quá nhiều thứ. Chính vì cái khao khát muốn ở bên nhau để cùng làm quá nhiều thứ ấy khiến ta quên rằng quan trọng nhất là lắng nghe nhau, cảm nhận nhau để thấy được rằng chỉ cần có sự hiện hữu của người kia thì đã hạnh phúc lắm rồi.
Chỉ cần biết rằng có sự hiện hữu của người kia là hạnh phúc lắm rồi – cho dù chẳng cần sống ở bên nhau, cho dù chẳng cần lúc nào cũng phải gặp nhau.
Nếu ko làm được thế thì cả hai bên sẽ luôn làm tổn thương nhau dù vô tình hay hữu ý.

Tình yêu thì chẳng phải lúc nào cũng đẹp, cũng lung linh nhưng dù mọi chuyện xảy ra thế nào thì cũng nên hành động thể hiện sự trân trọng với đối phương, không thì bạn sẽ trông thật kỳ cục, nực cười và lố bịch lắm. Tôi cũng đã từng hành động đầy phản kháng để thỏa mãn cái sự đau đớn vì bị phản bội và lừa dối trong tôi, thỏa mãn lòng tự trọng bị tổn thương nhưng cuối cùng tôi nhận ra làm thế chỉ khiến mình thêm nực cười và lố bịch mà thôi. Tôi đã dừng lại. Đúng ra là tôi phải dừng lại vì thấy xấu hổ với chính mình. Tôi chấp nhận đổ vỡ như một phần của cuộc sống mà không nghĩ đến việc tìm bất cứ cái gì để đổ lỗi.
Người khác hành động xấu xa ảnh hưởng đến tôi không có nghĩa là tôi phải hành động xấu xa theo cách của họ. Người khác phản bội, dối trá và lố bịch không có nghĩa là tôi phải dùng những thứ đó để đáp trả lại họ. Cách tốt nhất tôi nên làm là bỏ lại mọi thứ phía sau (thường thì những trò mèo mới diễn ra ở đằng sau lưng bạn) và hướng lên phía trước. Tận hưởng cuộc sống, shopping, xem phim, đi du lịch, hẹn hò ngập trời, yêu đương đầy nhiệt huyết theo cách mà tôi muốn.

(Chuẩn bị được đón đi chơi là lúc nào cái mẹt cũng thế này ý ^__^)

Vài ngày nữa thôi là tôi lại được mặc quần short, áo hai dây, mỉm cười và đi chơi rồi.
Người ta hay nói “đàn ông có tương lai còn đàn bà có quá khứ”, tôi có cả hai và điều quan trọng nhất đó là tôi đang cảm thấy hạnh phúc vô vàn và biết cách làm thế nào để mình hạnh phúc trong khi ngoài kia, có biết bao nhiêu người vẫn đang kiếm tìm và tự hỏi: “hạnh phúc là gì?”  

March 04, 2013

Anh đừng lo!



Những thanh niên thế hệ nửa đầu 8x,
 những con người sinh ra trong khoảng thời gian xung quanh năm 85,
 thời kỳ chuyển giao giữa cái mới và cái cũ,
 cũng sống như cách mà họ đã được sinh ra...

Trưa hôm đó tôi gặp một người bạn của Anh. Tôi và người bạn ấy đã có một bữa trưa thú vị bên cạnh những câu chuyện về cuộc sống, về tình yêu và chẳng hiểu thế nào cuối cùng lại kết thúc bằng những điều liên quan đến Phật.
Bọn tôi còn quá trẻ để nói đến Phật và những trải nghiệm.
Bọn tôi đã quá già cho những rung động, những cảm nắng, những run rẩy, những cảm xúc ban đầu của tình yêu. Người bạn đó bảo với tôi rằng sau khi trải qua một vài mối tình, giờ Anh sợ phải bắt đầu lại, hoặc cũng có thể Anh chẳng biết bắt đầu như thế nào. Anh không tin vào thứ gọi là tình yêu. Anh chẳng hiểu làm thế nào để yêu một ai đó. Anh ít nói, nhiều bạn nhưng ít bạn thân. Anh biết nhiều cô gái, 50% trong số đó là hotgirl, diễn viên, người mẫu nhưng Anh chẳng tìm được nổi một ai để yêu.

Thật là phi lý giữa cuộc sống hiện đại này. Việc ta có nhiều bạn, nhiều người để ý lại tỷ lệ nghịch với số lượng người yêu mà ta có.

Có lẽ Anh cần nhiều thời gian hơn nữa để gặp một cô gái – một người mà chưa bao giờ Anh kỳ vọng là người yêu mình sẽ như thế, một người mà khiến Anh mỉm cười một mình giữa đám đông, một người khiến Anh tự nhiên bỗng thấy mình ngốc nghếch lạ. Một người mà ngay từ đầu Anh đã tìm thấy sự kết nối vô hình nào đó mà Anh không thể hiểu nổi. Một người mà Anh tin sẽ là một cái gì đó rất đặc biệt trong cuộc đời mà Anh chẳng cần biết lý do.
Rồi Anh sẽ tìm thấy cô ấy thôi…

Đêm qua tôi lại vô rạp xem suất chiếu muộn của phim Tây Du Ký (Châu Trinh Trì). Đây là lần đầu tiên tôi đi xem phim này với cô bạn thân nếu không tính lần thứ nhất tôi đi xem với thằng bạn thân khác. Hai buổi xem chỉ cách nhau có một ngày. Nói thế để biết bộ phim ấy nó tác động đến tôi như thế nào.
Bỏ qua những tình huống gay cấn khiến người xem giật mình thon thót ở đoạn đầu của phim,
Bỏ qua những tình huống gây cười “nhảm” ở đoạn giữa phim,
Bỏ qua những thứ chưa được mà người ta bàn tán trên mạng,

Thì đoạn hội thoại như thế này cũng đáng để phải xem phim đến tận 2 lần:
Nhân vật nữ: Anh có yêu em không?
NV nam: Có
NV nữ: Anh có yêu em nhiều không?
NV nam: Rất nhiều
NV nữ: Anh yêu em nhiều như thế nào?
NV nam: Anh yêu em 1000 năm, 1 vạn năm
NV nữ: 1 vạn năm thì lâu quá. Em muốn anh yêu em ngay bây giờ.
Kết thúc bữa trưa với người bạn đó, anh dạy tôi cách chia sẻ niềm vui với mọi người, cách cầu nguyện hằng đêm để vơi đi những nỗi buồn và cách để trở nên bình thản với mọi điều trong cuộc sống. Anh bảo tôi mình không nên cứ trích lời Phật dạy để nói chuyện hay ám chỉ hay lên mặt đạo đức với những người khác bởi có mấy ai hiểu được sâu xa những điều ấy đâu? Vì thế nên anh chẳng khuyên tôi nên theo Phật giáo như anh, anh bảo mỗi tín ngưỡng đều có những lý lẽ riêng của nó. Tất cả chỉ để cho ta có niềm tin. Một niềm tin vô điều kiện.
Tình yêu – cuối cùng thì cũng giống như một thứ tín ngưỡng mà thôi.