Từ bé tôi đã yêu môn văn theo một cách rất riêng. Tôi biết
mình bắt đầu thích văn khi tôi học cấp 2, được cô Nga dạy văn (cô cũng tên là
Nga – có thể đó là lý do tôi càng thích môn văn hơn). Cô Nga hay cho chúng tôi
những đề văn nằm ngoài chương trình học và hay kể chuyện cho chúng tôi nghe.
Bài văn tôi được 9 điểm lần đâu tiên trong cuộc đời học sinh
của tôi là bài văn có đề bài là em hãy tưởng tượng em là nhân vật nữ trong câu
chuyện sự tích trầu cau và kể lại câu chuyện đó. Đã quá lâu rồi để tôi nhớ được
mình đã viết gì nhưng tôi vẫn nhớ những cảm xúc khi mình đặt mình vào người
khác, kể một câu chuyện tình như mình đã từng trải qua. Tôi được điểm 9 duy nhất
trong lớp và bài của tôi được cô đọc cho cả lớp nghe. Từ lần đó, tôi, một cô bé
học lớp 6 - đã nghĩ văn là sự tìm kiếm tự do trong tâm hồn.
Bài văn thứ 2 của tôi được 5 điểm. Tôi suýt bật khóc trước lớp
khi thấy con số 5 to đùng ấy trong ô chấm điểm. Đó là bài văn có đề bài là hãy
kể về lễ khai giảng của trường em. Khi làm bài đó, tôi nghĩ rằng ít nhất đã 6 lần
tôi dự cái lễ khai giảng đó, lần nào cũng giống lần nào, quan trọng là mình cần
phải nói được cảm xúc của mình. Thứ cảm xúc hồi hộp, chờ đợi và háo hức khi được
mặc quần áo mới, tay cầm cờ hay bóng bay bước vào trường. Vậy là bài văn ấy tôi
viết dài hơn các bạn 2 trang giấy bởi tôi muốn kể từ cái cảm xúc của mình khi ở
nhà, khi mẹ là cho mình bộ váy thơm mới tinh, khi mình quàng khăn đỏ trên vai,
khi mình ôm bố từ phía sau để bố đưa đến trường. Bài văn đó tôi đã bị 5 điểm bởi
đã quá dài dòng và lạc đề. Tôi đã nghẹn ngào giấu kín bài văn đó ở phía sâu nhất
trong gầm bàn và tự nhủ, vậy là mình sẽ không bao giờ được tự do như cách mình
muốn nữa.
Sau này khi tôi lên cấp 3, năm nào tôi cũng đi thi học sinh
giỏi văn thành phố. Giải tốt nhất mà tôi có được là giải khuyến khích. Tôi biết
mình chẳng có năng khiếu phân tích, tôi ít đọc sách tham khảo, tôi chẳng muốn
người ta áp đặt suy nghĩ gì lên mình cả. Nhưng tôi tin mình có năng khiếu về sự
cảm nhận. Có những thứ cảm xúc tôi có được, cảm được đến tận cùng của mọi lời
nói, mọi suy nghĩ, mọi ý tứ mà chẳng thể giải thích được thành lời. Từ đó tôi
hiểu rằng mình chưa bao giờ là học sinh giỏi văn như tôi vẫn nghĩ cả.
Và lạy chúa, tôi chưa bao giờ muốn mình giỏi văn.
Tôi chỉ đơn giản muốn mình được tự do trong tư tưởng và suy
nghĩ. Tự do để đến những vùng đất mới, tự do để tưởng tượng ra những câu chuyện,
những cuộc gặp gỡ, những khuôn mặt, những mẩu hội thoại, những mở đầu và những
kết thúc. Hồi bé tôi có thói quen trước khi đi ngủ phải nghĩ ra một câu chuyện
thật thú vị. Có những câu chuyện chưa kịp kết thúc thì tôi đã chìm vào giấc ngủ
rồi. Thói quen ấy đã từng theo tôi đến tận khi tôi lên đại học.
Vậy là tất cả những gì tôi muốn là sự tự do vùng vẫy trong
tâm hồn. Tôi hạnh phúc reo lên khi hiểu được điều đó. Và thế nên, đêm qua, tôi
có một giấc mơ.